Hãy dùng tâm mình
và thay đổi quan điểm
khi đối xử với người khác


Thanh Hải Vô Thượng Sư khai thị,
hội nghị trên mạng điện toán với đồng tu
các Trung tâm miền Trung Tây, Hoa Kỳ, ngày 1 tháng 9, 2002
(nguyên văn tiếng Anh) - Băng thâu hình số 753


V:   Con và các bạn đồng sự gần đây làm trong một dự án mà người thân chủ rất khó tính, đôi khi quá đáng, bắt chúng con phải làm việc nhiều giờ, có khi còn khiển trách chúng con về những lỗi lầm thậm chí không phải do chúng con gây nên.

Cho nên, lúc đầu chúng con tức giận, nói xấu về ông và cương quyết không nhượng bộ, nhưng điều này tạo nên từ trường phủ định. Nên chúng con cố gắng nói chuyện để hiểu được vì sao ông có những đòi hỏi này, và cũng cố gắng giúp ông hiểu thêm về chúng con.

Nhưng trong lòng con vẫn có cảm giác khó chịu về công việc và cảm thấy không ưa ông ta. Vì vậy, con muốn biết rằng qua sự tu hành, chúng ta có thể dùng tình thương đối xử với kẻ khác, dù rằng chúng ta bị họ đối xử xấu chăng?



SP:   Tôi hiểu. Ðó chỉ là đầu óc quý vị phản ứng với hoàn cảnh đặc biệt này, không phải là tâm quý vị không yêu thương ông ta. Tâm khác với đầu óc. Quý vị dùng đầu óc rất nhiều, nên khi giao thiệp với người khác quý vị cũng sử dụng đầu óc. Ðầu óc nói rằng: "Ăn miếng trả miếng", nhưng tâm thì khác. Quý vị có tình thương; chỉ là quý vị dùng đầu óc của mình. Lần sau hãy cố gắng dùng tâm mình.

Ông ta cũng có vấn đề của ông mà quý vị không hiểu. Vợ ông có thể đang ly dị ông hoặc là đang ngoại tình với kẻ khác, và ông trút nó lên quý vị. Quý vị làm việc như điên, rồi ông ta đến, không biết gì về công sức của quý vị, về sự tập trung của quý vị, về nỗ lực của quý vị; ông chỉ đổ hết mọi thứ lên quý vị, bởi vì ông cũng bị áp lực. Ông bị ưu phiền và có thể bị áp lực từ ông chủ hay là từ vợ con. Thế giới luôn luôn tạo áp lực lên tất cả mọi người, và ngược lại chúng ta tạo áp lực lẫn nhau, và đó là vấn đề.

Cho nên có thể là trong lúc thiền định, quý vị cố gắng gửi tình thương đến ông ta, nói với ông: "Tôi chúc ông những điều tốt đẹp nhất, và ông sẽ nhanh chóng khai ngộ hơn để không phải chịu đựng tất cả những sự bực dọc và giận dữ này". Rồi hãy thiền và cố gắng hiểu rằng ông ta cũng có nỗi khổ.

Láng giềng của tôi cũng hay kiếm chuyện với tôi chẳng vì lý do gì cả. Thật ra, khi sống một mình, tôi không có vấn đề gì với hàng xóm hay với bất cứ ai. Nhưng đôi khi tôi cần có những đệ tử khác để giúp đỡ công việc, vì tôi không thể tự mình làm tất cả mọi việc. Nếu tôi không làm việc cho quý vị hay cho toàn thế giới, tôi không cần bất cứ ai. Nhưng bởi vì tôi làm việc, đôi khi tôi cần sự giúp đỡ thể chất. Và rồi, do nghiệp chướng của họ giao tiếp với nghiệp chướng của người láng giềng, chúng tôi có sự va chạm, đôi khi về những chuyện rất nhỏ.

Nhưng tôi luôn luôn cố gắng tìm hiểu quan điểm của láng giềng, và cũng hiểu rằng không phải do lỗi của họ. Ðây là lỗi của thị giả, của những nhân viên hay những người đến giúp việc, bất cứ ai làm việc trong nhà tôi. Ðôi khi họ thu hút loại nghiệp chướng này cho chính họ. Và bởi vì đó là nhà tôi, chỗ của tôi, tôi bị kẹt ở giữa. Vì vậy, tôi không bao giờ đổ lỗi cho người đầu bên kia. Tôi nhìn vào tận gốc rễ vấn đề và thậm chí còn bảo thị giả: "Xem đó, là lỗi của quý vị. Ðó là nghiệp chướng hiếu chiến của quý vị đã thu hút loại phản ứng này từ hàng xóm. Cho nên đừng nổi giận với họ hay cảm thấy giận dữ bên trong, bởi vì từ đó quý vị sẽ tạo nghiệp chướng cho chính mình. Và ngược lại, như một vòng tròn, quý vị sẽ thu hút thêm loại từ trường hiếu chiến này, và chúng ta sẽ không bao giờ chấm dứt nó được".

Không phải chỉ là mặt thể chất, không phải chỉ là về tinh thần, không phải chỉ là tranh luận bằng lời, mà là cội rễ nghiệp chướng từ nơi nào đó mà chúng ta không có đủ khả năng nhìn thấu đáo. Và dĩ nhiên, về mặt thể chất hay nói theo lý đơn giản, chính ông ta, người chủ hay bất cứ ai, cũng là con người. Ông ta cũng có vấn đề riêng và đôi khi cũng có tâm trạng buồn phiền, cho nên bất cứ có gì ở gần, ông chỉ trút lên đó.

Vì vậy hãy tha thứ cho ông ta, có lẽ đừng tranh luận với ông. Chỉ giữ im lặng; thay vào đó, cầu nguyện và niệm Hồng Danh. Nhiều khi ông chỉ trút hết ra và sau đó sẽ cảm thấy điên rồ. Vì quý vị không trả lời và không phản ứng, có thể ông sẽ cảm thấy hổ thẹn và sẽ đến xin lỗi.

Hãy cố gắng thay đổi quan điểm của mình. Ðiều đó dĩ nhiên là tạo thêm áp lực trên công việc. Hãy cố gắng thay đổi quan điểm suy nghĩ của mình, thay vì thay đổi công việc hay thay đổi con người. Hãy cố gắng. Nhưng quý vị không bao giờ biết được: Có khi chúng ta có nghiệp chướng tốt với người khác, và có khi không. Chúng ta cứ phải cố gắng cho đến khi thích hợp.