V:
Tôi muốn biết có phải những chuyện xảy ra trong đời sống chúng ta đều mang một ý nghĩa nào đó: chuyện tốt, chuyện xấu, thiên tai, v.v... Và biết được ẩn nghĩa đàng sau những biến cố này có tốt không?
SP: Những việc xảy ra này là để cho chúng ta phát triển về tâm linh mặc dù có khi trong thời gian khủng hoảng hay biến cố chúng ta có thể không thể nào hiểu nổi. Nhưng việc gì cũng có lý do của nó. Nếu biết được ý nghĩa ẩn tàng thì tốt, nếu không biết, thì để mặc kệ nó. Chuyện gì cũng có thể xảy ra; không cần biết là nó xảy ra như thế nào. Vấn đề không phải là chuyện gì xảy ra mà là chúng ta phản ứng như thế nào đối với sự kiện đó, cái đó mới là quan trọng. Sự kiện có đó là để cho chúng ta suy ngẫm về chính mình và về sự phát triển của mình. Lúc bấy giờ chúng ta biết mình đã khôn lớn tới mức nào rồi, cao tới đâu rồi.
Tôi lấy một ví dụ cho quý vị dễ hiểu hơn. Một số ký giả nhà báo đã viết những điều không đúng về chúng ta. Có những người tức giận và họ nói với tôi như vậy. Họ khóc lóc này kia kia nọ, nghĩ rằng tại vì những ký giả ấy mà tôi bị bôi nhọ tên tuổi, họ tức cho tôi. Nhưng tôi nói rằng không cần phải làm vậy. Nhà báo họ viết gì thì họ viết. Tôi vẫn là tôi. Cách tôi phản ứng mới là điều quan trọng, chứ không phải những điều họ viết về tôi.
Nếu họ viết tốt về tôi, nếu tôi hãnh diện hay là phấn khởi, sung sướng, cảm thấy tự hào, thì như vậy là không tốt cho tôi. Thành ra đâu phải cứ viết tốt về tôi là tốt, mà là thái độ của tôi đối với điều đó tốt hay xấu mà thôi. Chỉ là cho một mình tôi thôi. Nếu họ viết xấu về tôi, và tôi tức giận, buồn bã một thời gian thật là lâu, tôi ghét họ hay muốn trả thù này nọ, như vậy cũng không tốt cho tôi. Như vậy có nghĩa là tôi thật sự chưa phát triển đến mức để mà cảm thấy thanh tịnh bất cứ lúc nào, trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Cho nên, nếu quý vị nhìn vào hoàn cảnh như vậy, thì cảm giác của mình, cách mình phản ứng, cách mình giải quyết vấn đề, đó là bài học. Ðó là công cụ để giúp chúng ta nhớ ra mình là ai, mình vĩ đại như thế nào, nhẫn nhịn được bao nhiêu, biết thương yêu, thông cảm người khác như thế nào.
Có lúc tôi cũng cảm thấy buồn bực trong một thời gian rất ngắn, bởi vì lẽ ra tình trạng không nên xảy ra như vậy. Lẽ ra nó phải xảy ra tốt đẹp hơn. Nhưng đó chỉ là điều tôi mong mỏi. Nhưng tôi không buồn bực vì có người xấu đã viết xấu về tôi; tôi cũng không mong mỏi họ phải viết tốt về tôi. Họ viết xấu là vì họ không biết tôi. Ngay cả quý vị cũng không biết tôi nữa thì làm sao người ngoài biết tôi cho được? Lý do quá rõ ràng; họ không biết tôi. Và tôi cũng chẳng đi ra ngoài kia nói với tất cả các ký giả rằng tôi tốt như thế nào. Dù có nói đi nữa, họ tin hay không lại là chuyện khác. Sao họ phải tin tôi chứ?
Ngay cả quý vị, kêu bằng "đệ tử", tự ý tới đây, và quý vị thật tình thương yêu Thượng Ðế đến nỗi có thể khiêm nhường hỏi câu hỏi và học từ tôi. Nhưng có khi quý vị cũng nghi ngờ tôi. Quý vị nghĩ xấu về tôi. Quý vị nhìn vào bề ngoài của tôi, vào hành động của tôi một cách méo mó rồi chỉ trích tôi, rồi bỏ tu. Quý vị nhìn vào cá tính của tôi thay vì nhìn vào giáo lý của tôi. Tôi sinh ra là như vậy. Thượng Ðế tạo tôi ra như vậy. Tôi không thể uốn éo chính mình cho vừa lòng tất cả mọi người theo kiểu quý vị nghĩ. Tôi là tôi, và tôi hoàn mỹ: xong. Quý vị cũng hoàn mỹ: xong. Nếu quý vị không biết mình là hoàn mỹ thì quý vị cần phải biết.
Quý vị phải học làm thế nào để chấp nhận rằng mình hoàn mỹ. Bất cứ cái gì không hoàn mỹ theo ý kiến của quý vị thì quý vị có thể thay đổi, nếu muốn. Tôi nghĩ tôi là hoàn mỹ. (Vỗ tay) Nói như vậy không có nghĩa là tôi không làm lỗi một đôi lúc, theo ý kiến của quý vị, nhưng cũng không sao. Tôi cũng chấp nhận lỗi lầm của mình, miễn là tôi không bị dính vô đó hoài, nghĩ rằng như vậy là tốt. Nhưng có thể là tốt thật! (Sư Phụ cười) Có thể lỗi của tôi là cần thiết cho người nào đó. Thấy giống như là lỗi lầm, nhưng có thể là không, có thể cái đó không phải là lỗi lầm.
Nói ví dụ, có một người đàn ông đang khóc trong lúc khổ đau, xúc động. Có thể là mặt mũi ông ta sáng sủa, đẹp trai. Và có thể là tôi ôm ông ta hay vỗ về ông ta. Theo ý kiến của quý vị thì có lẽ tôi không nên làm như vậy, có lẽ tôi nên tránh ôm ông ta bởi vì tôi là đàn bà, còn ông ta thì trẻ tuổi, đẹp trai. Nhưng tôi không cần biết quý vị nghĩ gì. Cho nên trong trường hợp này có lẽ quý vị nghĩ rằng tôi có lỗi. Nhưng có thể lỗi của tôi lại là cần thiết cho người đàn ông đó. Ông ta cần lỗi của tôi. Có thể là tôi không nên làm như vậy để giữ gìn danh giá thêm trong sạch và được quý vị kính trọng. Nhưng tôi không cần biết điều đó. Sao tôi phải để ý đến ý kiến của mọi người? ý kiến của người kia chắc gì luôn luôn đúng. Tôi chỉ làm việc gì mà tôi cảm thấy đúng trong lúc đó theo sự hiểu biết của tôi. Và tôi đứng trên lập trường những gì tôi tin tưởng và những gì tôi cảm nhận trong lúc đó mà thôi. Còn chuyện khác thì tôi không chịu trách nhiệm. Nó là như vậy. (Vỗ tay)
Ðó là một chuyện. Còn nếu tất cả báo chí hay những người ngoài kia nói xấu về tôi, và tôi cảm thấy ghét họ, như vậy có nghĩa là tôi không hiểu. Nghĩa là tôi vẫn còn phải tu hành thêm, phải kiềm chế chính mình và cố gắng nhìn vào hoàn cảnh một cách kỹ càng hơn, thông minh hơn. Ðó là công việc của tôi. Việc của họ là viết những gì họ muốn viết. Họ chịu trách nhiệm cho hành động của họ, còn tôi phải chịu trách nhiệm cho hành động của tôi. Thành thử theo tôi thấy như vầy: Họ không biết tôi. Họ không thể hiểu tôi, cũng không sao. Họ viết tùy theo sự tin tưởng, hiểu biết và ý kiến của họ. Ðối với tôi cũng được. Nếu giải thích được cho họ nghe thì tôi giải thích, nếu không được thì tôi kệ.
Tôi phải nói cho quý vị biết rằng mặc dù chúng ta là những người tu hành, nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng hiểu liền tất cả mọi hoàn cảnh mà chúng ta chạm trán trong đời sống. Không phải lúc nào chúng ta cũng hiểu, nhưng ít ra nhờ tu hành, sau vài phút nóng giận và phản ứng tức thời, chúng ta ngẫm lại, nói rằng: "Chuyện gì đây?"
Cho nên đừng trách cứ mình nếu trong một phút giây phản xạ nào đó mà quý vị cảm thấy tức tối hay cảm thấy muốn trả thù. Nhưng sau đó, sau khi nguôi ngoai, quý vị nghĩ lại: "Mình không nên phản ứng như vậy trong trường hợp này. Mình nên phản ứng làm sao? Mình nên làm gì trong trường hợp này để có lợi nhất cho mình và cho đối phương"? Ðó là cách quý vị nên làm. Không phải là quý vị không bao giờ tức giận, mà là quý vị không hành động quá trớn. Quý vị không đi quá trớn và không để sự nóng nảy đó chiếm hữu tâm hồn lâu quá tới nỗi ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần và hoàn cảnh của mình. Không phải là quý vị không bao giờ tức giận. Ðôi khi tức giận cũng tốt, cũng lành mạnh. Nhưng phải làm sao với sự tức giận đó lại là chuyện khác. Ðừng để nó hủy hoại mình. Cho nên đối với bất kỳ biến cố gì xảy ra trong đời sống, việc của chúng ta là đo lường coi mình đã khôn lớn thế nào rồi về phương diện tâm linh. Nếu quý vị có được quan điểm đó thì tốt. Và hãy cố gắng để biết phản ứng như thế nào mới là tốt nhất cho chính mình.