Thanh Hải Vô Thượng Sư kể tại Tây Hồ, Formosa, ngày 12 tháng 7, 1992
(nguyên văn tiếng Trung Hoa) Băng thâu hình số 268

C âu truyện này gọi là "Anh nông phu và con rắn". Có một người nông phu kia mỗi ngày đi vô tỉnh bán hoa và rau trái, sau khi bán xong hết, anh trở về nhà. Một hôm, anh rời nhà rất sớm, sớm đến nỗi khi anh tới nơi, cổng thành vẫn còn đóng. Thế là anh ta nằm xuống ngủ một giấc ngon lành. Khi tỉnh dậy thì anh thấy thúng đựng rau của anh trống không, ngoại trừ một đồng tiền vàng trong đó. Cho dù đồ đạc trong thúng mất hết, nhưng đồng tiền vàng giá trị còn nhiều hơn thế nữa, cho nên anh sung sướng lắm, nghĩ là có lẽ một người nào đó đã lấy hết hàng hóa của anh rồi để tiền lại trả. Anh về nhà với đồng tiền vàng, trong lòng vô cùng sung sướng.

Ngày hôm sau, anh nông dân một lần nữa đem đồ đi bán, nhưng anh lại đi sớm nữa và ngủ ngoài cổng thành giống như ngày hôm trước. Chuyện lại xảy ra y như vậy. Tất cả hàng hóa rau cải của người nông dân mang theo đều biến mất, và trong thúng có một đồng tiền vàng! Thời đó vàng rất là quý giá. Một đồng vàng giá trị gấp mấy lần hơn số rau của anh.

Sau đó một thời gian, một ngày nọ, người cha của anh nông dân hỏi anh: "Dạo này con lấy tiền vàng ở đâu mà nhiều vậy? Số tiền này ở đâu ra?" Anh nông phu tiết lộ những gì đã xảy ra cho cha nghe. Sau khi nghe chuyện, người cha nghĩ bụng: "Bữa nào ta phải đi theo nó, xem ai là người đã dùng những thứ này rồi bỏ tiền vào thúng".

Rồi một hôm, khi anh nông dân đi ra ngoài lo chuyện bán buôn thì ông cha âm thầm theo sau. Trong khi anh nông dân đang ngủ ở gần cổng thành, người cha trông thấy một con rắn bò vào thúng ăn đồ của anh. Ăn xong, con rắn một lần nữa nhổ một đồng tiền vàng vào trong thúng để trả tiền cho người nông dân rồi mới đi. Thấy thế, cha anh thầm nghĩ: "Nếu ta giết con rắn đó, ta sẽ lấy được tất cả tiền vàng của nó!" Nghĩ xong ông nhặt một cục đá cắt con rắn ra làm đôi.

Lúc đó đầu và thân của con rắn đã đi vào trong ổ, chỉ có cái đuôi thòi ra. Ông cha nghĩ trong ổ chắc là có một kho tàng to lớn, nên ông bảo con trai thò tay vô lấy. Nhưng chẳng may, khi người con vừa bỏ tay vô thì bị rắn cắn chết! Bị cắt ra làm đôi, nhưng con rắn vẫn còn cắn được! Tôi hiểu tại sao điều này có thể xảy ra bởi vì hồi nhỏ tôi cũng bị cắn như vậy. Lúc đó tôi thấy một con rết bị người ta đập dẹp, chỉ còn cái đầu là nguyên vẹn. Tôi tưởng nó chết, muốn xem thử có đúng không, tôi lấy chân đụng vô mình nó, bị nó cắn một cái đau điếng, tôi khóc ba ngày. (Cười) Ngu quá là ngu! Nhớ nghe, đừng có chơi với rết dù quý vị thấy nó chết. Nhiều khi nó giả bộ chết thôi, chứ không phải chết thiệt.

Có lẽ trường hợp con rắn trong truyện này cũng vậy. Cái đầu chưa chết, nên nó cắn anh nông dân chết. Thấy con bị giết như vậy, người cha khóc lóc thảm thương bên cạnh xác con, và hỏi con rắn rằng: "Rắn ơi, sao mi giết con ta? Sao mi cắn con ta chết như vậy"? Thay vì trả lời thì rắn hỏi ngược lại: "Sao ông dùng đá cắt đứt lưng tôi? Ðâu có hận thù gì giữa chúng ta? Tôi chưa bao giờ làm chuyện xấu đối với ông mà cũng chưa bao giờ làm hại gì ông cả. Giá mà lúc nãy ông kiên nhẫn chờ tôi một chút thì tôi đã cho ông cả kho tàng ở đây rồi. Nhưng vì ông đánh tôi, nên tôi đã cắn chết con ông. Nếu tôi giết ông thay vì con ông thì ông sẽ không đau khổ nhiều như vậy. Tôi giết con ông để ông phải sống trong đau đớn suốt quãng đời còn lại". Con rắn này khôn độc! Thay vì cắn người muốn giết nó thì nó lại cắn con trai của người đó, để ông cha suốt đời đau khổ. Dễ sợ thật!

Từ câu truyện này chúng ta có thể học một vài điều. Có khi quý vị hỏi tôi rằng: "Tại sao Sư Phụ không đưa con lên cảnh giới Thứ Năm liền? Như vậy con sẽ thoát khổ và thành Phật cho lẹ. Như vậy có phải tốt hơn không? Sư Phụ biểu con ngồi thiền ngày hai tiếng rưỡi, ăn chay, trì ngũ giới để làm chi? Làm vậy chậm quá, chậm quá"! Thật ra không có chậm đâu! Chỉ như vậy quý vị mới tiêu hóa được. Nếu trong một lúc tôi cho quý vị nhiều quá, thì quý vị sẽ bị "no" mà chết! Vì quý vị tham lam quá, cuối cùng sẽ không được gì cả.

Nhiều khi những người tu hành như chúng ta không có chướng ngại. Chúng ta hiểu rõ ràng là tại sao mình theo con đường tâm linh này. Mỗi ngày chúng ta tọa thiền chăm chỉ không có nghi vấn gì và cũng không bao giờ gây chướng ngại cho mình. Tuy nhiên, khi Ma Vương không cản chúng ta tu hành được thì nó làm phiền tới bà con của mình, dùng những người này để cản trở chúng ta, làm hại chúng ta. Phật Thích Ca Mâu Ni có lần nói rằng khi Ma Vương không tấn công Phật được thì nó sẽ tấn công đệ tử của Phật. Thành ra, khi đệ tử thỉnh thoảng gặp nhiều trở ngại, Minh Sư cũng bị liên lụy, cũng bị ảnh hưởng. Bởi vì Sư Phụ không thể nào nhìn đệ tử đang bị hiểm nghèo mà không làm gì cả. Cũng giống như cha mẹ thấy chuyện gì không hay xảy ra cho con cái, họ không nỡ lòng nào mà đứng đó nhìn, cho nên chắc chắn họ cũng bị ảnh hưởng.

Trong thời gian tu hành, những xích mích, đụng độ với anh em bà con đôi khi cũng khó mà tránh được. Chúng ta ai cũng bị mấy chuyện này. Hãy ráng hết sức chịu đựng, giải thích cho họ nghe, bỏ họ qua một bên, xa họ, lờ đi, hay ráng thân thiện với họ được bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu. Phải hành động tùy theo hoàn cảnh. Mỗi người một hoàn cảnh khác nhau; tôi không thể nào cho quý vị một thí dụ rõ ràng. Phải dùng trí huệ để đối phó với vấn đề, làm sao cho kết quả càng mỹ mãn càng tốt. Nhưng đừng có nhượng bộ quá đáng rồi phải hy sinh sự tiến bộ tu hành.